Dù chỉ ra nhiều thách thức sau năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1, nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng “học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành”.
Sáng nay, 12.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.
Hội nghị tổ chức trực tuyến với điểm cầu tại Bộ GD-ĐT, 63 điểm cầu tại 63 sở GD-ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các phòng GD-ĐT cấp quận, huyện.
Rất nhiều khó khăn, khác biệt
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, 2020-2021 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; vừa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cả mới và cũ….
Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường và thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập và thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của ngành giáo dục.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 trong bối cảnh trên đã dẫn đến những khó khăn khách quan, cụ thể đối với lớp 1.
Trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà (trẻ ở nhà khoảng 6 tháng, từ tháng 2.2020 đến hết tháng 8.2020) nên các em hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được.
“Mặt khác, do tình hình dịch Covid-19 nên năm học 2020-2021 học sinh các cấp học được tổ chức học chính thức sau ngày khai giảng 5.9.2020, (không có 2 tuần làm quen nền nếp, tâm lý cho học sinh lớp 1 như các năm học trước, các năm học trước có 2 tuần làm quen, bắt đầu tựu trường từ 15.8.2020 để học sinh và GV tổ chức làm quen tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh lớp 1)”, báo cáo của Bộ nêu.
Đối với giáo viên lớp 1, do tình hình dịch Covid-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến. Tuy nhiên, việc thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, cho nên một số giáo viên có những lúng túng bước đầu khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới ở lớp 1.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nhìn lại trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới với lớp 1, đông đảo nhân dân và một số lực lượng xã hội có ý kiến về một số nội dung liên quan như: chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006;
Cử tri băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc trong in ấn, phát hành sách giáo khoa và giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn sách lớp 1 cũ; phản ánh gay gắt về việc sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 của nhà Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP. HCM (bộ Cánh Diều) có một số ngữ liệu đưa vào sách chưa phù hợp…
“Một số mặt nổi trội” hơn là gì?
Mặc dù rất nhiều khó khăn như vậy, nhưng báo cáo của Bộ GD-ĐT khẳng định: “Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành”.
“Số mặt nổi trội hơn”, cụ thể theo Bộ GD-ĐT, là “học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2”.
Bộ GD-ĐT cho rằng đây là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân nhà giáo, học sinh, phụ huynh, và tập thể nhà trường, các địa phương, cũng như toàn ngành giáo dục.
Bộ này cũng đánh giá lại những giải pháp mà Bộ đã chỉ đạo trước và trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông với lớp 1, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, giáo viên và dư luận xã hội…
Toàn ngành đang chuẩn bị năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh ở số đông địa phương diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với năm trước, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp tiểu học; hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động dạy học năm học 2021-2022 trong điều kiện diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.
Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học; tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp phải thực hiện giản cách xã hội để đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của ngành giáo dục.
Theo thanhnien.vn